Bên cạnh những công trình kiến trúc lăng tẩm cổ kính, nền ẩm thực cung đình tinh thế thì Huế còn có những làng nghề đặc sắc mang đậm giá trị truyền thống ngàn xưa. Cùng hoiantrip.org tìm hiểu về 9 làng nghề truyền thống ở Huế nổi tiếng hiện nay nhé.
1. Các làng nghề truyền thống ở Huế
1.1. Làng nghề nón lá
Chiếc nón bài thơ đã trở thành biểu tượng của xứ Huế mộng mơ. Và Huế cũng là trung tâm sản xuất nón lá lớn của cả nước.
Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa… Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ, nó không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để có được chiếc nón ưng ý, các nghệ nhân làm nón Huế phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản…Có lẽ vì thế mà nón Huế rất được nhiều du khách ưu chuộng.
1.2. Làng nghề đúc đồng
Nghề đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Phường đúc ở Huế ra đời có nguồn gốc từ tổ chức của những thợ thuyền cùng nghề đúc dưới thời Chúa Nguyễn. Vào thời Chúa Nguyễn, đã ra đời được một “Công tượng đúc đồng”, những người thợ đến từ nhiều nơi làm việc trong những Công tượng của Chúa ở Trường Đồng. Hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng nhất là Kinh Nhơn và Bổn Bộ.
Khi Chúa Trịnh và Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân thì các Công tượng đúc đồng bị tan rã. Riêng chỉ có họ Nguyễn ở Kinh Nhơn vẫn tiếp tục nghề đúc của cha ông. Từ những lò đúc của các anh em trong dòng họ Nguyễn, nghề đúc vẫn được duy trì và phát triển cho tới ngày nay.
1.3. Làng tranh làng Sình
Làng Sình có tên chữ là Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách Huế khoảng 8km về phía hạ lưu sông Hương. Người dân làng Sình sống cơ bản về nông nghiệp, nhưng do vị trí sát kề đế đô lại thuận tiện giao thông, có nhiều người buôn bán và làm thủ công, trong đó có nghề làm tranh thờ in ván khắc gỗ còn màu tô tay. Cũng vì thế nghề in tranh làng Sình rất phát triển.
Giấy in tranh là loại giống giấy in báo, màu là mua ở chợ, gồm có màu vàng, xanh, tím, đỏ sen, còn trắng thì để nguyên giấy mộc. Ván in bằng gỗ mít, họ tự khắc hoặc thuê thợ khắc. Tranh in lối ngửa ván rồi dùng tay vuốt giấy cho phẳng, in lấy nét và mảng đen, sau dựa vào đấy mà tô màu một số mảng.
Tranh Sình là tranh thờ, có các bộ: Tranh cúng bổn mệnh, tranh cúng gia tiên, tranh ảnh cúng thế mạng, tranh lễ thành cúng cho người mang bầu, tranh cúng cho con nít…Tất cả chừng trên năm mươi tờ có đề tài khác nhau. Tất cả những tranh trên đều phản ánh tín ngưỡng cổ sơ, là sự lưu ảnh của tư tưởng Việt cổ trước một thiên nhiên hoang sơ thần bí và linh dị…
1.4. Làng nghề kim hoàn Kế Môn
Làng Kế Môn ( xã Điền Môn, huyện Phong Điền) nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km hướng Đông Bắc. Nơi đây nổi tiếng có nghề kim hoàn. Nghề kim hoàn ở Kế Môn là nghề gia công cổ truyền đồ trang sức, trang trí bằng chất liệu vàng hoặc bạc, bao gồm: Ngành trơn (các sản phẩm đơn giản, không chạm trổ nhiều); Ngành đậu (thường làm các hình hoa văn kỷ hà để gắn lên mặt sản phẩm); Ngành chạm (chạm trổ các hình và hoa văn trên các sản phẩm).
Các sản phẩm kim hoàn ở đây đã đáp ứng được nhu cầu về trang sức, trang trí của cư dân và quan lại ở chốn kinh thành Huế ngay từ cuối thế kỷ XVIII do nhiều người thợ kim hoàn từ phương Bắc vào, tiêu biểu là ông Cao Đình Độ quê ở Thanh Hóa đã đến định cư ở làng Kế Môn hành nghề kim hoàn và mở lớp truyền dạy cho các thế hệ con cháu.
1.5. Làng nghề gốm Phước Tích
Phước Phú thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, do hai thôn Phước Tích và Phú Xuân nhập lại. Tên xã Phong Hòa xưa là xã Phong Lâu (do ở bên bờ sông Ô Lâu). Làng Phước Tích tiện cho việc thông thương bằng đường thủy để khai thác nguyên liệu và chở sản phẩm gốm đi bán.
Quanh làng không có đất sét và rất hiếm củi, nhưng theo các gia phả và ký ức người già thì suốt từ đời Minh Mạng đến đời Khải Định, hàng tháng làng phải dâng nộp triều đình Huế 30 chiếc “om ngự” làm nồi nấu cơm dâng vua, ăn xong vứt bỏ. Do đó làng được đặc ân đi các nơi khai thác những gì cần cho nghề. Sản phẩm truyền thống “độc Phước Tích” có lu (chum), ghè, thạp, thống, om (niêu), bùng binh (ống tiết kiệm), tu huýt (còi) và ông táo nung chín thành sành, không thấm nước. Những sản phẩm trên được chở bán từ Nghệ An vào đến Nam Bộ. Các sản phẩm gốm không tráng men như lọ hoa… cũng đã được bán sang Nhật Bản và được sử dụng trân trọng trong các buổi tiệc trà của Nhật.
1.6. Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên
Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng vốn có truyền thống làm nghề nông, tuy nhiên, vào tháng chạp, Thanh Tiên lại rộn rã với nghề làm hoa giấy. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi Nghề hoa giấy Thanh Tiên trong danh mục thống kê của các nghề thủ công từ thế kỷ XVI-XIX.
Sản phẩm hoa giấy thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông địa, táo quân, thần bếp… Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên là: phong phú về màu sắc, hình thức đẹp, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu.
1.7. Làng nghề đan lát Bao La
Cách thành phố Huế 15km về phía Bắc, đoạn trung lưu bờ Bắc con sông Bồ, làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng. Làng nghề được hình thành từ xa xưa và đến thời chúa Nguyễn đã thành lập thêm một làng Bao La mới, nay thuộc thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cạnh bờ Nam phá Tam Giang. Cả hai làng này đều có chung một nghề thủ công là đan lát. Các sản phẩm làng tạo ra: rổ, rá, dần, sàng, nong phơi, chõng tre, nôi trẻ em, giường ngủ… đều làm từ vật liệu mây và tre.
Ban đầu, người dân nơi đây làm nghề này nhằm tận dụng thời gian nông nhàn để tạo ra những vật dụng trong gia đình. Dần dần các sản phẩm này được nhiều nơi ưa chuộng nên từ đó hình thành nhu cầu mua bán trên thị trường và chuyên biệt hóa trong sản xuất. Mỗi xóm sản xuất một loại sản phẩm khác nhau: Xóm Chợ chuyên sản xuất giần, sàng; Xóm Đông chuyên sản xuất thúng, mủng; Xóm Chùa chuyên sản xuất rá; Xóm Đình và Xóm Hóp chuyên sản xuất rổ; Xóm Cầu chuyên sản xuất nong, nia. Mỗi xóm một loại mặt hàng, cả làng cùng làm trong không khí vui vẻ.
1.8. Liễn làng Chuồn
Chuồn là tên nôm của làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang. Đây là làng nông nghiệp nhưng có nhiều người học cao đỗ đạt làm quan to trong triều. Tính hiếu học đã ảnh hưởng đến nghề làm liễn: Viết chữ đẹp, biết cái đẹp của nghệ thuật viết chữ, và phát huy một lối chơi sang treo liễn ngày Tết hay để tặng mừng nhau. Chính vì vậy mà ở làng Chuồn rất nhiều gia đình biết in liễn Tết, họ tập trung làm từ tháng mười đến giáp Tết, mỗi gia đình trong vụ liễn in từ vài trăm đến vài nghìn bộ. Cho đến nay, liễn Chuồn vẫn phát triển.
Mỗi làng nghề truyền thống ở Huế luôn gắn liền với những câu chuyển, những sản phẩm ấn tượng. Đừng bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về những làng nghề này khi đến với Huế mộng mơ nhé.
Nguồn: Wanderlust Tips