Hành trình khám phá Đà Nẵng – vùng đất của những kẻ thích “xê dịch” (Phần 1)

Một vùng đất huyền bí với vô số điểm đến thú vị mà tin chắc ai đã đặt chân đến một lần thì khó có thể quên được. Và nếu bạn đang nuôi ý định ghé thăm thành phố này trong một tương lai gần thì đừng bỏ qua những kinh nghiệm chúng tôi chia sẻ sau. Dù không hoàn toàn xuất sắc nhưng sẽ giúp bạn có thể hiểu rõ hơn đôi chút về con người và văn hóa nơi đây.

Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, do đó nhiệt độ thường rất cao và ít biến động. Khí hậu Đà Nẵng là nơi chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam, với tính trội là khí hậu nhiệt đới điển hình ở phía Nam. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7, thỉnh thoảng sẽ có vài đợt rét vào mùa đông nhưng không dài và không đậm. Do đó, mùa cao điểm du lịch của Đà Nẵng thường rơi vào thời gian đầu tháng 4 đến tháng 9. Tuy nhiên khoảng thời gian này miền Trung thường hay gánh chịu nhiều trận bão, vì vậy bạn cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết.

Có rất nhiều phương tiện để bạn có thể đến được Đà Nẵng như: máy bay, tàu hỏa và xe khách, thậm chí là xe máy,… Phương tiện mà chúng tôi chọn đó là máy bay, để tiết kiệm chi phí chúng tôi đã chọn đồng hành cũng hãng hàng không giá rẻ VietJet Air và chọn thời gian bay vào ban đêm. Tuy nhiên chúng tôi khuyên bạn nếu giá vé chênh lệch có vài chục hay một hai trăm thì bạn cũng đừng quá tiết kiệm, hãy cứ chọn giờ bay sớm hơn một chút, bởi những chuyến cuối trong ngày sẽ rất dễ bị delay. Chúng tôi đặt vé khởi hành lúc 10 giờ nhưng phải “vật vờ” ở sân bay đến 11 giờ 30 mới được lên máy bay.

Phương tiện di chuyển nhanh nhất để đến Đà Nẵng đó là máy bay

Sau một tiếng ngồi máy bay chúng tôi đã có mặt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, và đây cũng chính là lúc cái bao tử bắt đầu “biểu tình”. Bước ra cổng gọi taxi cũng là một quá trình gian nan, nếu bạn đi ít người và đi đến các địa điểm gần thì cơ hội gọi được taxi sẽ rất thấp, vì taxi chỉ ưu tiên cho những đoàn nhiều người và đi xa. Cảm nhận khi đi taxi ở Đà Nẵng trong tôi đó là “quá nhanh quá nguy hiểm” xe cứ phóng vùn vụt qua từng con đường, dù biết đường phố lúc 12 giờ khuya là khá vắng nhưng tôi vẫn có cảm giác sợ.

NGÀY THỨ NHẤT: Sáng: chùa Linh Ứng – đỉnh Bàn Cờ, Chiều: Phố cổ Hội An

Sáng ra cả đoàn bắt đầu cho chuyến hành trình khám phá Đà Nẵng. Bữa sáng của chúng tôi đó là bún chả cá tại địa chỉ 109 Nguyễn Chí Thanh. Đây là một quán ăn nổi tiếng tại đất cảng Đà Nẵng nên rất đông khách, nhưng bạn cũng không phải chờ quá lâu như những nơi khác.

Bún chả ở đây ngon nhưng giá cũng tương đối rẻ, chỉ 30k là bạn đã có bát bún ngon

Ăn sáng xong chúng tôi lên xe để đến địa điểm đầu tiên đó là chùa Linh Ứng, nơi được mệnh danh là cõi Phật giữa chốn trần gian. Chùa nằm trên đỉnh núi thuộc Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (nhiều người gọi là Chùa Linh Ứng Bãi Bụt hoặc là Chùa Linh Ứng Sơn Trà – vì Đà Nẵng có đến 3 Chùa Linh Ứng). Đường lên chùa một bên là đảo Cù lao Chàm, một bên là ngọn Hải Vân rất ấn tượng.

Đường lên chùa rất đẹp, mà lại thông thoáng rất ít xe qua lại

Chùa được khởi công xây dựng vào tháng 07/2004 và khánh thành vào ngày 30/07/2010. Nhưng đến nay chùa vẫn còn tiếp tục xây dựng thêm nhiều hạng mục. 
Linh Ứng nằm trên độ cao 693 mét so với mực nước biển, với diện tích 20 héc ta, trên địa hình một bên núi, một bên biển.

Đây là một quần thể nhiều hạng mục gồm chánh điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường và thư viện,… Không chỉ nổi tiếng là ngôi chùa đẹp nhất, lớn nhất và trẻ nhất ở Đà Nẵng, Linh Ứng còn được biết đến là ngôi chùa có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam (với độ cao 67 mét).

Bức tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam

Hoa viên của chùa rất trang trọng và uy nghiêm với bốn vị Thần Long Hộ Pháp cùng 18 vị La Hán được sắp xếp hai hàng bảo vệ cho chính điện. Bên trong chính giữa thờ Phật Thích Ca, bên phải là thờ Quán Thế Âm bồ tát, bên trái thờ Địa Tạng Vương bồ tát. Ấn tượng nhất có lẽ là pho tượng đều được đúc bằng đồng. 

Hoa viên chùa rất đẹp và trang trọng

Dù là ngày thường nhưng khách đến viếng chùa vẫn rất đông

Đoạn đường lên chùa dốc sẽ tiêu tốn năng lượng bạn khá nhiều, kèm theo đó là cái nắng như thiêu như đốt của miền Trung nên trước khi đi bạn nên chuẩn bị sẵn nước mang đi. Hoặc bạn cũng có thể mua nước giải khát ở khuôn viên chùa, tuy nhiên giá sẽ không mấy dễ chịu lắm. Một trái dừa tươi này có giá 35k, uống một hai hơi đã hết mất. Gửi xe ở đây không tốn tiền, có một thùng từ thiện khách du lịch có thể tùy tâm bỏ vào.

Một trái dừa giải khát thế này có giá đến 35k, hơi đắt so với những chỗ khác

Khung cảnh nhìn từ chùa rất thơ mộng

Điểm đến tiếp theo chúng tôi quyết định khám phá đó là đỉnh Bàn Cờ, địa danh gắn liền với một truyền thuyết ly kỳ. Đường đi lên hiểm trở nhưng cảnh quan rất đẹp. Từ đây bạn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn khung cảnh của thành phố Đà Nẵng.

Phải nói là thiên nhiên tạo hóa thật khéo tạo nên hình thể đẹp đẽ ấy cho chúng ta chiêm ngưỡng. Những thướt phim toàn cảnh thành phố từ đỉnh Bàn Cờ thì chẳng thể dùng đến một lời lẽ nào vì sợ ngôn từ của mình không đủ để diễn đạt. Đặc biệt trên đỉnh bàn cờ có một vị tiên ông sẵn sàng “đấu cờ” với bất kỳ ai đến đây. Với cảnh trí thế này thì bạn hoàn toàn có thể tin rằng mình đang lang thang trên một tầng trời nên thơ nào đó. Đó cũng chính là nguyên nhân dù con đường có cheo leo đến đâu nhiều người vẫn quyết lên đây cho bằng được.

Nơi lý tưởng để những bạn trẻ sống ảo

Rất nhiều nhóm bạn trẻ rủ nhau đến đây check in chụp ảnh

Trên đỉnh sương giăng mờ ảo

Sau khi đấu cờ cùng tiên ông, mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, cái bụng có dấu hiệu đói chúng tôi xuống núi tìm chút gì đó bỏ bụng. Mục tiêu kế tiếp của chúng tôi đó là chợ Cồn, nơi được biết đến với những món ăn vặt cực kỳ ngon. Bắt đầu bước chân vào chợ bạn sẽ thấy vô số các gánh hàng bán đồ ăn vặt chen chút đặc nghẹt, bày bán rất nhiều món ăn vặt siêu ngon, mùi thơm thì không ngừng mời gọi. Đặc biệt là giá cả ở đây rất bình dân, chỉ cần khoảng 15 – 20k là bạn đã thưởng thức những món đặc sản tại Đà Nẵng như: mực rim, ốc hút, bánh bột lọc, ốc xào, bún mắm, mì Quảng,… Ngoài ra, bạn cũng có thể tận hưởng bữa cơm quê nhà với những món ăn dân dã như thịt luộc mắm tôm, mực nhồi, rau xào,…

Bữa trưa dân dã của cả đoàn 7 người chưa đến 200k ở chợ Cồn

“Cơm no rượu say” cũng là lúc xế chiều ập đến, chúng tôi quay về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho hành trình khám phá phố cổ Hội An yên bình. Do có lẽ vận động nhiều nên vừa về đến nhà ai nấy đều mệt rã rời, chẳng ai nói ai câu nào chỉ lẳng lặng tìm chỗ ngã lưng. Đến khoảng 4 giờ chiều chúng tôi bắt đầu hành trình thăm phố cổ Hội An. Từ Đà Nẵng đến Hội An khoảng 30 km, bạn sẽ mất chừng 40 phút lái xe.

Nếu bạn đã từng thấy vẻ đẹp buổi sáng ở Hội An bình dị. Thì buổi chiều tối một Hội An kiều diễm sẽ như “bỏ bùa” du khách khi lần đầu đặt chân đến. Thời gian khi phố cổ lên đèn thường thì bắt đầu từ 3 giờ chiều hàng ngày. Trong khoảng thời gian này tất cả các phương tiện sẽ không được phép lưu thông trên các trục đường chính nên việc tản bộ lang thang khu phố bình dị thế này sẽ thú vị vô cùng.

Phố cổ nơi có nhiều ngôi nhà cổ đẹp nhất Việt Nam

Tầm 4 – 6 giờ chiều khách đổ ra phố cổ đi dạo và chụp ảnh càng nhiều

Đã đến Hội An thì nhất định phải thử Cao Lầu

Tối muộn, Hội An lại càng quyến rũ hơn với hàng nghìn chiếc đèn lồng lấp lánh tại các gian hàng hay những ánh sáng huyền ảo của những ngọn hoa đăng khách du lịch thả xuống sông Hoài. Ngồi trên những chiếc ghe nhỏ ngắm cảnh hoàng hôn và du ngoạn cảnh đẹp dọc bờ sông là điều mà bạn nên thử một lần. Một chuyến hóng mát trên sông như thế cũng không quá đắc, đoàn chúng tôi 8 người nhưng chỉ trả 200k, tính ra mỗi người chỉ bỏ ra 25k mà lại có trải nghiệm thú vị thế này thì quả là đáng.

Du ngoạn trên sông hóng mát

Dĩ nhiên đã đi du lịch thì không thể nào thiếu được phần khám phá luôn khu phố ẩm thực rồi. Nhất là vào ban đêm, vừa đông vui lại nhộn nhịp. Từ món đặc sản như cao lầu, cơm gà, mì Quảng, chè xoa xoa,… với giá cả vô cùng phải chăng. Và nhớ đừng quên lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ để còn có cái khoe với người thân và bạn bè về chuyến đi thú vị của mình nhé.

Một số hình ảnh về cảnh đêm nhộn nhịp và rực rỡ của phố cổ

Rất nhiều cặp đôi lựa chọn phố cổ để đánh dấu bộ ảnh cưới của mình

Những ánh đèn lánh lấp khi đêm xuống

Rất nhiều những món ăn vặt với giá tương đối rẻ được bán ở phố cổ

Dọc hai bên đường là những gian hàng quà lưu niệm 

Xem tiếp phần 2

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Viết Liên Quan

Bài Viết Cùng Chủ Đề