NGÀY THỨ 3: Thành phố Huế
Ngày thứ ba, mọi người chuẩn bị quay về Sài Thành chuẩn bị công việc cho tuần mới, riêng chỉ có mình tôi lại chuẩn bị cho một hành trình mới tại Huế. Đây chính chuyến đi đầu tiên mà tôi đi một mình, dù có chút lo lắng, nhưng trong lòng vẫn có chút phấn khích và hồi hộp. Từ Đà Nẵng đi Huế mất tầm 100 km, bạn có thể đi xe khách, tàu hỏa hay xe bus. Đi xe khách bạn sẽ chỉ mất hơn 2 tiếng là đến nơi, nhưng bằng cách này thì bạn sẽ không ngắm được cảnh đẹp của đèo Hải Vân, bởi xe khách sẽ đi qua hầm của đèo. Xe bus thì bạn phải bắt nhiều chặng khá mất thời gian. Do đó tôi đã chọn tàu lửa, tuy thời gian di chuyển sẽ kéo dài hơn 3 tiếng nhưng bù lại bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh quan tuyệt đẹp của đèo Hải Vân.
Quả là một cảnh tượng khó có thể quên được, một cung đường nằm sát biển, đi trên triền núi, băng qua 6 hầm chui và 18 cây cầu (hầm có chiều dài ngắn nhất 85 mét, hầm dài nhất là 600 mét). Vì địa hình đặc thù, để đảm bảo không gặp nguy hiểm an toàn thì các đoàn tàu qua đây chạy với tốc độ rất chậm (có khi phải dùng đến đầu máy đẩy), nên lúc đi qua con đường Hải Vân, lữ khách đi tàu thả phanh ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên hùng vỹ tuyệt đẹp của tất cả biển trời, rừng núi…
Cảnh đẹp của đèo Hải Vân từ tàu hỏa vô cùng ấn tượng
Giá vé đi tàu hỏa cũng khá là rẻ, và được chia thành nhiều loại ghế như: ngồi cứng từ 48k; ngồi mềm từ 78k; nằm cứng từ 115k; và nằm mềm từ 120k. Khi đi trên những chuyến tàu này bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống bình dị của những người có thu nhập thấp. Chỉ với một nụ cười thân thiện là người ta có thể làm quen và nói chuyện như những người bạn lâu ngày gặp lại. Chính điều này đã làm tôi không còn thấy sợ hãi về việc một mình đặt chân đến nơi đất khách quê người.
Xuống đến ga Huế cũng đã quá trưa, mưa rơi lất phất rất đúng với tên gọi là “Huế mộng mơ”. Từ đây tôi bắt xe ôm về khách sạn, trên suốt chặng đường chú xe ôm không ngừng giới thiệu cho tôi những địa điểm du lịch hấp dẫn. Đến nơi sau khi cất đồ, tôi xuống khách sạn thuê ngay một chiếc xe máy (giá thuê là 100k) và bắt đầu lang thang qua từng con phố. Tôi dừng lại ở một quán bún vỉa hè bình dân, một giọng Huế nồng ấm cất lên “cháu ăn chi mô?” (vì quán bán bún sườn và cháo sườn). Bát bún đầy ấp, vừa nóng lại vừa thơm mà chỉ có giá 15k.
Bữa trưa một mình ở Huế
Ăn xong tôi bắt đầu đến khám phá Kinh thành Huế hay còn được gọi là Thuận Hóa kinh thành. Đây là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến khi thoái vị vào năm 1945. Hiện tại thì khu vực này đã được ghi nhận là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Đồng thời thì đây cũng còn được biết đến là di tích cung đình còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam.
Cố đô Huế, di tích lịch sử đầy vẻ cổ kính
Không khí mát mẻ dễ chịu cộng với không gian cổ kính khiến cho tâm hồn tôi vô cùng thoải mái. Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống Việt Nam với thuyết âm dương ngũ hành cùng những đặc điểm ảnh hưởng kiến trúc quân sự phương Tây. Có tất cả 9 cổng thành dẫn vào Kinh thành Huế, và khi vừa vào cửa Thể Nhơn là bạn sẽ thấy ngay Cửu vị thần công (9 khẩu súng thần công, tên gọi lần lượt là: Xuân, Hạ, Thu, Đông, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).
Khuôn viên bên ngoài của Cố đô Huế
Lối đi nên thơ dọc theo kinh thành
Tham quan khu vực bên ngoài thành sẽ không mất phí, nhưng vào Đại Nội và lăng tẩm nơi ở của vua sẽ phải mất phí (người lớn 120k, trẻ em 25k). Bắt gặp nhiều đoàn du khách nước ngoài đến đây tham quan tự nhiên lòng tự hào dân tộc trong tôi trỗi dậy. Nếu bạn thích lịch sử, kiến trúc cổ xưa thì hãy cùng, tập thể lớp, gia đình tổ chức một buổi du ngoạn đến xứ Huế. Nơi đây các rất nhiều nét đẹp từ cảnh quan đến những con người, chứa đựng đầy tình cảm, mến khách. Mang những công trình kiến trúc đỉnh cao của những người thợ thủ công đương thời.
Tiếp nối hành trình của tôi lúc đó cũng đã chiều chập chạng tối, tôi đến chợ Đông Ba. Khu chợ thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, và cũng là địa điểm ăn uống được khách du lịch yêu thích nhất khi đến Huế. Chợ trải dài theo bờ bắc sông Hương, trên đường Trần Hưng Đạo, cách cầu Trường Tiền chỉ khoảng 100 mét về phía bắc.
Chợ Đông Ba, một trong những ngôi chợ nổi tiếng nhất ở Huế
Chợ rất rộng và chia thành nhiều khu, từ chỗ để xe bước vào chợ bạn sẽ thấy la liệt những cửa hiệu quần áo, nón lá, trang sức và mắt kính,… Đi sâu vào chút nữa là những gian hàng bày bán đặc sản Huế, nào là kẹo đậu phộng, mè xửng,… Vào thêm chút nữa là khu ẩm thực, nơi thiên đường của những người sành ăn. Ở đó bạn sẽ thỏa mãn vị giác với nhiều món ăn ngon nổi tiếng như: bún bò Huế, bánh bèo, bánh bột lọc, bánh khoái, nem lụi, cơm hến, và các loại,… So với Đà Nẵng thì giá đồ ăn ở đây rẻ hơn rất nhiều. Chỉ cần cầm theo 50k là bạn đã có thể no bụng với rất nhiều những món ngon.
Vào chợ bạn sẽ được thỏa sức khám phá ẩm thực xứ Huế
Sau khi đi chợ xong bạn có thể đến ngắm cảnh đêm ở cầu Trường Tiền, một trong những biểu tượng mang tính đặc trưng nhất của Huế. Cũng vì thế mà nhiều người nói vui nếu đã đến Huế mà không đến thăm cầu Trường Tiền thì xem như bạn vẫn chưa vô tới Huế.
Cầu Trường Tiền khi đêm về
Quả vậy, cố đô Huế dù có bao công trình được xếp hạng di sản văn hóa thế giới; thì cầu Trường Tiền vẫn là một hình ảnh rạng ngời, tiêu biểu. Cây cầu giống như tính cách của người dân xứ Huế cũng nhẹ nhàng, sâu lắng và mềm mại uyển chuyển. Và cây cầu lịch sử này không chỉ in sâu trong lòng mỗi người dân nơi đây mà còn là biểu tượng du lịch tự hào mỗi khi nói đến du lịch vùng đất Cố đô.
Đó chỉ là một hành trình gợi ý bạn có thế tham khảo, bởi trên thực tế thì thành phố Đà Nẵng có vô số điểm đến hấp dẫn. Vậy việc đầu tiên bây giờ là lên lịch và sắp xếp công việc ngay thôi nào, hãy để những chuyến đi làm giàu tri thức cho bạn, bởi ông bà ta có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà. Hãy cứ đi bởi tuổi trẻ sẽ chẳng chờ đợi bất kỳ ai. Đừng để tuổi trẻ trôi đi một cách vô vị và rồi phải hối hận lúc về già vì mình không được khám phá thế giới xung quanh.