Hướng dẫn từ A – Z để có bức ảnh đẹp tại Hội An

Hướng dẫn từ A – Z để có bức ảnh đẹp tại Hội An
(Nguồn: Marek Okon – Unsplash)

Hội An không tự nhiên mà trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất trên bản đồ Việt Nam. Nhờ có những con đường và dãy nhà đậm chất Trung Hoa giữ nguyên từ thế kỉ 16, đây là địa điểm lý tưởng để cho ra đời những shoot hình đẹp. Vậy làm sao để chụp được những bức hình đẹp nhất ở Hội An? Dưới đây là vài bí kíp bỏ túi dành cho bạn.

1. Chụp gì?

Chụp những gì để có những shoot ảnh sáng tạo, đa dạng và hay ho? Bạn có thể tham khảo những ý tưởng này xem nhé!

1.1. Hoàng hôn và bình minh

Một khi đã đến Hội An, chúng ta nhất định không thể bỏ qua khoảnh khắc bình minh. Bởi đó là khi Hội An bình yên và thưa người nhất. Ánh nắng đầu ngày len lỏi qua những tán lá xanh càng đậm nét tinh khôi và trong lành nơi phố cổ.
Và bạn cũng không thể không ngắm hoàng hôn rơi trên sông Hoài. Đây là một trong những giây phút thành phố nhộn nhịp nhưng cũng không kém phần thong thả của thời khắc cuối ngày. Đặc biệt là được chứng kiến thành phố lên đèn, bạn chắc chắn sẽ có những thước phim và khung ảnh độc đáo.

Chụp gì ở Hội An
(Nguồn: Huy Đạt – Báo Thanh Niên)

1.2. Hội An vào mùa mưa

Ai ai đi chơi cũng muốn chọn một ngày nắng đẹp, song ngay cả vào những ngày mưa, Hội An cũng mang lại vẻ đẹp nên thơ và bình dị.

Mùa mưa ở Hội An thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12. Đây cũng là lúc không khí hơi se se, không quá lạnh nhưng cũng không nóng đổ lửa như những tháng mùa hè. Vậy nên bạn vừa có thể diện những món đồ thu đông, cũng có thể mặc những chiếc váy bông mùa hè kèm cardigan. Một chút lãng mạn dưới tông vàng nâu ấm áp ở Hội An, đối lập với cơn mưa phùn ẩm ương cho shoot ảnh của mình, tại sao không nhỉ?

Hội An vào mùa mưa
(Nguồn: Phú Nguyễn – Unsplash)

1.3. Đèn lồng Hội An

Đèn lồng phố Hội với tuổi đời hơn 400 năm đã dần trở thành một biểu tượng tạo nên không gian văn hóa của thành phố này. Những chiếc đèn lồng làm bằng khung tre, bọc vải đủ màu sắc tinh xảo, treo thấp treo cao trên mọi nẻo đường phố cổ. Chỉ với phông nền như vậy trong bức hình của bạn thôi, là đã đủ để mãn nhãn người xem rồi.

Một lưu ý nhỏ khi chụp ảnh với đèn lồng là nhớ chọn chế độ làm mờ phông nền, và khóa nét chủ thể. Phố đèn lồng vốn dĩ đã rạng rỡ đủ màu sắc, “tác dụng phụ” của sự sống động này là gây rối mắt trong khung hình. Để tránh bạn bị mờ nhạt giữa khung cảnh như vậy thì chọn chế độ làm mờ phông trên điện thoại, hoặc lấy nét chủ thể trên máy ảnh sẽ giúp cho bức hình đẹp hơn.

Đèn lồng Hội An
(Nguồn: Thanh Soledas – Unsplash)

1.4. Những con hẻm nhỏ hẹp

Mặc cho bao nhiêu tấm ảnh “check in” trên phố xá nườm nượp du khách, những còn hẻm nhỏ cũng là một nét đẹp duyên dáng khác của Hội An.

Với bối cảnh này, khung trời gói gọn bên trên những bức tường bám màu thời gian, chiều sâu của những con hẻm nhỏ tạo nên chiều sâu của bức hình. Đặt góc máy chụp ngang và lấy nét vào tiểu tiết – những bức ảnh với phong cách này mang lại vẻ đẹp của một nốt nhạc trầm tinh tế.

Hoặc là một người thích sự tự do sáng tạo, bạn có thể chọn bộ quần áo phong cách boho kết hợp với những bức tường vàng và bầu trời vời vợi. Góc chụp thú vị nhất là từ dưới lên nhấn mạnh vào độ cao và chiều sâu sẽ giúp cho bức ảnh đẹp hơn và không bị cảm giác bí bức.

Những con hẻm nhỏ hẹp ở Hội An
(Nguồn: Ruxat – Unsplash)

1.5. Thả đèn hoa đăng trên sông Hoài

Đây cũng là một chủ đề thú vị để bạn tạo ra những khung hình đẹp. Trên chiếc thuyền độc mộc, bạn có không chỉ có phông nền là những ngôi nhà phố cổ theo chiều dọc bờ sông cho bức ảnh, mà còn thâu vào tầm mắt sông Hoài lững thững trôi.

Thả đèn hoa đăng là một hoạt động hay ho nên thử khi đến thăm Hội An, đèn hoa đăng với ý nghĩa thắp lên hi vọng, mong cầu bình an. Sau khi thuyền ra đến giữa sông, bạn có thể thả đèn hoa đăng và ghi lại khoảnh khắc này. Khi ánh đèn thành phố ở lại phía xa xăm, chung quanh bạn chỉ còn những ngọn nến sáng lung linh thật thơ mộng.

Thả đèn hoa đăng trên sông Hoài
(Nguồn: Ruxat – Unsplash)

1.6. Chụp lại những khoảnh khắc nhỏ

Khi chụp ảnh, chúng ta thường cố gắng tạo dáng để cho ra những bức ảnh với biểu cảm hoàn hảo nhất. Song đôi khi một bức ảnh cũng có thể thú vị hơn khi đến từ những khoảnh khắc đời thường thật tự nhiên và sống động. Để tạo ra nội dung ảnh như thế này, bạn nên chọn những khoảnh khắc chuyển động để thu vào ống kính.

Với kỹ thuật chụp ảnh khi đối tượng đang chuyển động, bạn đừng quên chọn chế độ chụp liên tục (Burst Mode) nhé. Với chế độ này, bạn sẽ khóa chủ thể trong khung hình, lấy nét và chụp liên tục mọi chuyển động với khoảng 10 – 30 bức hình cho một lần chụp trên máy ảnh kỹ thuật số hoặc điện thoại di động. Từ đó bạn có thể chọn ra một khoảnh khắc bạn thể hiện cảm xúc tự nhiên và chân thật nhất. Như vậy là đủ để tạo nên kỉ niệm ở Hội An rồi phải không!

Chụp lại những khoảnh khắc nhỏ
(Nguồn: Ruxat – Unsplash)

2. Chụp ở đâu?

Ngoài những khung cảnh nhà cổ quen thuộc, Hội An vẫn còn rất nhiều “ngõ ngách” và địa điểm thú vị khác để thêm vào sổ tay của bạn khi đến thăm thành phố này đấy.

2.1. Hội Quán Phúc Kiến

Giữa một thành phố cổ kính mấy trăm năm tuổi đời như Hội An, Hội Quán Phúc Kiến là một trong những công trình được công nhận là di sản văn hóa tại đây. Được xây dựng từ thế kỉ 16, Hội quán từng là nơi hội họp đồng hương của những người Phúc Kiến, và cũng là miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Điều đặc biệt khiến đây trở thành một trong những điểm đến đặc sắc là những mái vòm, bia đá, những gian nhà được trạm khắc tinh xảo, kì công. Kiến trúc kiểu Hoa kết hợp với không gian tín ngưỡng sẽ không dành cho những ai muốn có một bức ảnh “hợp mốt”, thay vào đó là lối chụp phong cảnh sẽ phù hợp hơn. Hoặc nếu muốn chụp chân dung, bạn cũng nên làm mờ phông nền, hoặc chỉ tập trung vào tiểu cảnh, tiểu tiết nhất định và sử dụng ống kính góc rộng để tăng chiều sâu cho bức ảnh.

Hội Quán Phúc Kiến
(Nguồn: MarenViol – Flickr.com)

2.2. Lò gạch cũ Duy Vinh

Lò gạch cũ này là một trong những địa điểm check-in nổi tiếng nhất khi đến Hội An trong 2 năm trở lại đây. Ở xã Duy Vinh, cách trung tâm phố cổ khoảng 5km, lò gạch nằm ở giữa một cánh đồng lúa mênh mông.

Xuyên qua cây cầu gỗ bắc ngang cánh đồng lúa bát ngát trải rộng, lò gạch xuất hiện như một pháo đài cổ với mảng tường bong ra để lộ lớp gạch đỏ au. Để từ đó làm nguồn cảm hứng cho bạn thỏa sức sáng tạo với mọi phong cách chụp hình, dù là với bức ảnh rạng rỡ ánh nắng hay một không gian nhuốm màu cũ kĩ.

Lò Gạch Cũ Duy Vinh
(Nguồn: mia.vn)

2.3. Làng rau Trà Quế

Cách Hội An chỉ 3km về hướng Tây Bắc, có diện tích 40ha gồm các hộ dân sống quây quần và làm nghề trồng rau lá hoặc rau gia vị với truyền thống gần 300 năm. Khi Hội An bắt đầu phát triển du lịch, nơi đây trở thành một điểm đến tham quan thú vị nhờ giữ nguyên không gian vườn rau rộng lớn, những ngôi nhà cấp 4 nhỏ xinh thoắt ẩn hiện.

Không chỉ giữ mang lại không khí trong lành dân dã, mà làng rau Trà Quế mang lại cho du khách sự mộc mạc giản dị của đời sống đậm chất làng quê Hội An. Vậy nên đây chắc chắn là điểm đến dành cho những ai yêu khung cảnh thôn quê và muốn mang vào khung hình cả những nét mộc mạc mà xanh mướt này.

Làng rau trà quế
(Nguồn: mia.vn)

3. Chụp như thế nào?

Hiểu biết về kỹ thuật nhiếp ảnh sẽ giúp bạn có tấm ảnh đẹp, song không phải ai cũng là một nhiếp ảnh gia được học bài bản. Những tip sau đây sẽ giúp bạn nắm được những quy luật cơ bản để tạo ra một bức ảnh chất lượng.

3.1. Chọn chế độ cân bằng trắng

Chế độ cân bằng trắng (White Balance – WB) là quá trình loại bỏ các tông màu không thực tế tác động lên các vùng màu trắng trong hình. Nói dễ hiểu, cân bằng trắng trong nhiếp ảnh giúp cho màu sắc trong hình ảnh lên đúng với thực tế nhất có thể. Nếu thiếu đi thao tác cân bằng trắng, ảnh của bạn dễ bị ám tông cam, xanh lam hoặc xanh lá cây.

Đặc biệt với Hội An, khi phông nền thường là những bức tường vàng và mái ngói nâu hay những quán café vintage hoài cổ, bạn sẽ cần chế độ cân bằng trắng hơn bao giờ hết. Chế độ này nhằm tránh cho cả bức hình bị ám tông cam hay nhiệt độ màu (Color Temperature) trong ảnh nghiêng quá về tông ấm, dễ gây chói khi xem.

chọn chế độ cân bằng trắng
(Nguồn: Huy Đạt – Báo Thanh Niên)

3.2. Chụp ảnh góc rộng

Ống kính góc rộng giúp bạn có trường nhìn bao quát hơn, không gian mở hơn trong bức ảnh. Với máy ảnh như Canon hay Nikon, ống kính góc rộng sẽ có tiêu cự ngắn dưới 35mm, và ống kính góc siêu rộng sẽ có tiêu cự dưới 20mm, với ống kit từ 18 – 55mm. Nhờ tiêu cự ngắn, chiều sâu của ảnh lớn, vật càng gần máy ảnh cũng sẽ trở nên to hơn. Vậy nên kỹ thuật chụp ảnh góc rộng giúp bạn sáng tạo với bức ảnh của mình theo nhiều cách hơn.

Và Hội An chính là địa điểm lý tưởng cho những bức ảnh góc rộng. Chỉ với một chiếc máy ảnh Canon khẩu độ f/4 – f/5.6, bạn chắc chắn sẽ có một bức ảnh độc đáo với những con đường sâu hun hút, hoặc dòng sông trôi tận chân trời.

Chụp ảnh góc rộng
(Hội An với ảnh góc rộng, tiêu cự 18.0mm và khẩu độ f.11. Nguồn: Dan Augood – Flickr.com)

3.3. Bố cục và tương phản

Bố cục và tương phản trong một bức ảnh là những yếu tố rất quan trọng bạn cần phải nắm để cho ra đời một bức ảnh đẹp, hài hòa và mang đậm chất nghệ thuật.

Bố cục là cách sắp xếp các đối tượng và thành phần trong một bức hình, trong khi đó sự tương phản là mối tương quan giữa các màu sắc trong khung hình đó. Công thức an toàn để luôn luôn tạo ra bức hình có bố cục đẹp là 1/3 hoặc 1/2 – hoặc vật thể ở giữa khung hình, hoặc nằm ở 1/3 khung hình.

Còn đối với tương phản, đây là cuộc chơi sáng tạo của bạn với các tông màu sắc và chuyển màu sáng – tối làm sao để đảm bảo các mảng màu này nằm trong bố cục khung hình rõ ràng.

Bố cục và tương phản
(Nguồn: Jackie Weisberg – Flickr.com)

3.4. Góc chụp độc đáo

Khi chụp ảnh, hình ảnh bị thu vào mặt phẳng 2D khiến cho cảm giác về không gian tiêu biến. Kết quả cùng một tầm mắt, cảm giác nhìn trong ảnh và nhìn ở thực tế hoàn toàn khác nhau. Vậy nên nhiệm vụ của người cầm máy là chọn một góc chụp để truyền tải đúng cảm giác về không gian cho người xem.

Nếu mỗi bức hình kể một câu chuyện, vậy thì góc chụp chính là lời dẫn chuyện. Một góc chụp hay ho thú vị sẽ dẫn người xem đi vào câu chuyện của bạn theo lối sáng tạo hơn. Về mặt kỹ thuật, góc chụp là điểm nhìn của người chụp kết hợp với tiêu cự – độ xa gần với đối tượng. Những góc chụp sáng tạo thường là góc chụp từ dưới lên, góc chụp từ trên xuống, góc nghiêng hoặc góc chụp tạo hiệu ứng khung trong khung.

Góc Chụp Độc Đáo
(Nguồn: Ruxat – Unsplash)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Viết Liên Quan

Bài Viết Cùng Chủ Đề